Rất nhiều người không thích ăn thịt chó, nhất là những người yêu thương và coi chó như người bạn trung thành. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người thích ăn các món được chế biến từ thịt chó, vì theo họ, những món ăn đó ngon và bổ dưỡng. Để trung hòa được cả hai mục đích: được ăn ngon và không sát sinh với loài chó, cách nấu giả cầy từ giò heo (chân giò lợn) với nguyên liệu chính là chân giò heo đã được sáng tạo ra. Và thật tuyệt vời, món ăn được chế biến ngay tại nhà theo cách nấu giả cầy vẫn thơm ngon đặc biệt và đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với tất cả mọi người.
Nguyên liệu cần chuẩn bị để làm món thịt heo nấu giả cầy
- Chân giò heo: 1 cái
- Măng củ: 200gr
- Bún: 1 kg
- Riềng: 1 củ
- Sả: 3 cây
- Húng tươi: 4 cây
- Mẻ: 1 chén nhỏ
- Mắm tôm: 1 chén nhỏ
- Bột nghệ: 1 muỗng
- Hạt nêm, đường, muối, nước mắm và dầu ăn.
XEM THÊM:
Mách nhỏ dành cho bạn: Khi nấu giả cầy, bạn nên chọn mua chân giò trước thì sẽ ngon hơn dùng chân giò sau nhé. Vì chân giò trước nhiều bắp gân, thịt chắc hơn nên dùng để nấu giả cầy thì khi ăn thịt chắc và ngọt hơn.
Một số bạn miền Nam sẽ không biết mẻ là gì và cách phân biệt mẻ. Rất nhiều bạn bị lẫn lộn giữa mẻ và giấm bỗng. Cả hai nguyên liệu này đều có xuất xứ từ các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, mẻ thì được làm từ cơm nguội hoặc bún lên men. Còn giấm bỗng thì thường được làm từ hèm rượu để lên men. Cơm mẻ rất giàu vitamin, đạm và acid lactic, những chất này rất tốt đối với sức khỏe chúng ta.
Cách sơ chế nguyên liệu
Riềng gọt vỏ, rửa sạch, đem đập dập và băm nhỏ.
Sả lột bỏ phần thân già, chỉ giữ lại phần củ non, rửa sạch, đem đập dập và cũng đem băm nhỏ.
Húng nhặt sạch, bỏ các lá già và úa, rửa kỹ cho sạch với nước. Sau đó cho húng vào ngâm với nước muối pha loảng khoảng 10 phút thì vớt ra, vẩy khô nước và để ráo. Rau húng dùng để ăn sống với món chân giò nấu giả cầy.
Măng rửa sạch, cho vào nồi, cho thêm một chút muối vào cùng và luộc măng. Khi nước luộc măng sôi, tắt bếp, đổ măng ra rửa lại với nước lạnh. Tiếp tục luộc măng thêm 2 lần như vậy. Sau khi măng nước luộc sôi thì cho măng ra thau, rửa lại với nước lạnh, vớt ra, để ráo. Đem măng củ cắt thành các miếng bằng ngón tay giữa, để riêng.
Thui chân giò
Chân giò cạo hết lông, rồi đem rửa sạch, để ráo. Sau đó đem chân giò thui với rơm. Nếu không có rơm, bạn có thể đem chân giò thui bằng giấy báo hoặc cho lên bếp gas thui cũng đều được. Làm theo cách nào đều tùy thuộc vào bạn.
Sau khi chân giò thui xong, bạn đem chân giò chặt thành các khúc vừa ăn. Ướp chân giò đã chặt khúc với 1 muỗng hạt nêm, 1 muỗng đường, 1 muỗng nước mắm, 3 muỗng mắm tôm, 1 muỗng mẻ, 1 muỗng sả băm nhỏ, 1 muỗng riềng băm nhỏ và 1 muỗng dầu ăn. Tất cả trộn đều, để khoảng 1 tiếng hoặc hơn một chút cho chân giò ngấm gia vị.
Mách nhỏ: Măng củ tươi có nhiều chất gây dị ứng nên bạn cần luộc kỹ măng trước khi đem chế biến với các nguyên liệu khác thành món ăn. Bạn nên luộc măng với muối 3 lần là tốt nhất.
Bạn có thể thui chân giò bằng rơm, giấy báo hay bếp gas đều được. Tuy nhiên, phương pháp thui chân giò bằng rơm là tốt nhất. Khi thui chân giò bằng rơm, thịt chân giò phần da ngoài sẽ có màu nâu đen rất bắt mắt. Ngoài ra, chân giò sẽ có mùi thơm của thịt quyện với mùi thơm của rơm rạ, rất hấp dẫn.
Cách nấu giả cầy theo chuẩn vị miền Bắc như sau:
Bật bếp, chờ cho chảo nóng thì cho 1 muỗng dầu ăn vào, tráng đều mặt chảo. Khi dầu nóng già thì cho 1 muỗng sả băm và riềng băm vào phi thơm và khử mùi dầu, đảo đều tay. Khi sả riềng dậy mùi thơm thì cho chân giò vào xào chín. Đảo đều tay, khi thấy thịt chân giò săn lại thì cho 1 muỗng bột nghệ vào, đảo đều. Bột nghệ sẽ giúp món chân giò nấu giả cầy có màu vàng nhìn rất đẹp mắt.
Khi chân giòn chín tái, bạn cho hết phần măng củ đã cắt khúc vào xào cùng. Cũng đảo đều tay cho măng thấm gia vị. Tiếp sau đó, cho nước vào nấu chân giò. Bạn chỉ đổ nước sao cho xâm xấp bề mặt thịt chân giò, đậy nắp lại để nấu cho thịt chân giò và măng chín kỹ.
Trong cách nấu giả cầy này, nếu bạn muốn tiết kiệm thời gian, có thể nấu chân giò giả cầy bằng nồi áp suất thì thịt chân giò sẽ nhanh chín và mềm hơn. Khi thịt chân giò chín mềm (không để thịt chân giò bị chín rục nhé) thì bạn nêm nếm lại sao cho vừa miệng là xong, lúc này thì có thể tắt bếp.
Cuối cùng, cho chân giò nấu giả cầy ra tô, ăn kèm với bún và rau húng ăn sống. Món này ăn khi còn nóng mới ngon nhé.
Cách nấu giả cầy theo đúng vị miền Bắc cũng không quá khó để làm tại nhà. Món giả cầy cũng rất ngon và giàu chất dinh dưỡng. Chân giò nấu giả cầy cũng rất hạp khi dùng thành món mồi để ngồi lai rai với vài chai bia hay vài chén rượu nếp cùng bạn bè hay người thân thì thật là đúng điệu. Những ngày đông đầu mùa này mà được thưởng thức món chân giò heo nấu giả cầy thì đúng là trên cả tuyệt vời luôn rồi.