Trong nhiều năm sống chung, cặp vợ chồng dù có hạnh phúc đến mấy, cũng phải có lần “cơm không lành canh không ngọt”. Nếu cứ “chiến tranh lạnh” kéo dài, tăng sự oán giận, lâu dài có thể khiến cuộc hôn nhân tan vỡ. Dưới đây là những việc bạn “không” nên làm khi hai người xảy ra mâu thuẫn, cãi vã.
Cãi nhau là chuyện của hai người
Đây là quy tắc cần phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Không cãi nhau ở nơi công cộng, trong nhà hay trước mặt người khác, đặc biệt là trẻ nhỏ…
Cãi nhau nơi công cộng chỉ làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn hơn gấp nhiều lần mà thôi, tốt nhất nên “đóng cửa bảo nhau” khi hai người xảy ra mâu thuẫn để giữ thể diện cho cả đôi bên.
Khi trận chiến nổi lên thì đừng kéo theo gia đình hay bạn bè vào vấn đề của hai người. Khi đang cãi cọ, thì bạn đừng có bức xúc mà mách ngay với mẹ “Anh ấy lại về muộn mẹ ạ, chẳng thèm gọi cho con”, “Con không chịu nổi cô ấy được nữa rồi!”,…hoặc đăng lên facebook, khiến cuộc chiến của bạn thành một bộ phim ai cũng có thể xem được.
Theo nghiên cứu, 80% tâm sinh lý của trẻ phụ thuộc vào hành động của bố mẹ. Khi bố mẹ to tiếng, bé gái sẽ có khả năng gặp vấn đề về tình cảm, còn bé trai gặp vấn đề về hành vi, nhất là với những trẻ dưới 6 tháng tuổi, bố mẹ cãi vã lớn tiếng sẽ khiến nhịp tim của trẻ tăng lên, hóc môn căng thẳng tiết ra, gây khó khăn về rất ngủ, ảnh hưởng đến đến não.
Không dùng lời xúc phạm, nói tục, chửi bậy
Khi xảy ra tranh chấp, cần đảm bảo rằng tranh luận một cách văn minh, cãi nhau với sự tử tế, không sử dụng từ ngữ thô tục, thiếu văn hóa, thiếu sự tôn trọng đối phương. Không bao giờ lôi bố mẹ của nhau ra chửi, hay gọi nhau bằng mày-tao, miệt thì nghề nghiệp của đối phương, lấy quá khứ của đối phương ra xúc phạm….
Động khẩu những không động thủ
Khi xảy ra cãi vã to tiếng, phụ nữ hay đàn ông đều có khuynh hướng sử dụng bạo lực. Vì vậy, đừng ép hay nói những câu thách thức “tôi thách anh đây”, “anh dám”… hậu quả bạn nhận lấy ngay lập tức thách thức của bạn. Vết thương thể chất có thể lành, nhưng tổn thương về tinh thần thì không thể cứu vãn được.
Không liên quan đến chia tay, ly hôn
Dù có tức giận đến mấy, cũng không được dùng từ “chia tay đi” hoặc “chúng ta ly dị” trong lúc cãi vã. Những từ này sẽ gây tổn thương vô cùng sâu sắc đến đối phương. Hơn nữa, lần nào cãi nhau cũng nói câu này, đối phương nghe nhiều thành quen, hùa luôn theo quyết định của bạn.
Tranh luận không phải để chiến thắng
Tranh luận để cả hai hiểu rõ nhau hơn, chứ không phải muốn phân bì người đúng, kẻ sai, hạ bệ đối phương, nâng mình lên. Tình cảm chứ đâu phải là đối thủ mà cần phân định thắng thua, người thắng chưa chắc đã hạnh phúc.
Không bao giờ ngủ riêng
Thực tế cho thấy, những cặp vợ chồng khi giận nhau, thường có hành động ngủ riêng, tỏ ý chán ghét đối phương. Việc giữ khoảng cách với nhau như vậy, chỉ làm mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn mà thôi.
Nếu hai người vẫn ngủ cùng nhau, sẽ giúp những cảm xúc yêu thương được tiếp thêm lửa. Sáng hôm sau thức dậy trong vòng tay của người ấy, vấn đề tranh cãi sẽ trở nên đơn giản và dễ dàng hơn, những giận hờn có thể tiêu tan ngay lập tức.
Không bỏ nhà đi khi cuộc cãi vã chưa kết thúc
Một trong những hành động thường làm của cánh mày râu khi cãi nhau với vợ, phóng xe ra khỏi nhà, rồi rủ bạn tụ tập uống rượu. Đi khi mâu thuẫn chưa giải quyết xong, sẽ khiến đối phương vô cùng khó chịu, uất ức.
Còn các chị em khi cãi nhau với chồng, thường có hành động dọa ly hôn và xách vali về nhà mẹ, để cho chồng lo lắng, nhưng điều này lại khiến họ rơi vào trường hợp “đi không trở lại” mặc dù bản thân chưa hề muốn ly hôn.
Cũng là hành động xách vali về chị H tâm sự “Lúc cãi nhau, tôi tự ái, ôm con, xách vali đi, bố mẹ thương con, bắt chồng sang đón mới cho về. Còn gia đình chồng nói rằng được lần một có lần hai, được nước lấn tới, tự đi thì tự về. Tôi chờ một thời gian chồng cũng không đến đón, khoảng thời gian xa cách, khiến tình cảm hai người nhạt dần, dẫn tới ly thân, khoảng một năm sau thì ly hôn”.
Không chiến tranh lạnh
Cả hai cũng im lặng, không nói với nhau câu nào, sống chung một nhà như người dưng, cứ ôm khư khư nỗi bực trong lòng, sẽ đẩy hôn nhân đến bờ vực tan rã. Bạn biết đây “im lặng” đôi khi không phải vàng, nó là thứ vũ khí sắc nhọn nhất, giết chết tình cảm của hai bạn. Vì vậy, khi có cuộc tranh luận, nên tìm cách giải quyết triệt để, giúp cả hai hiểu nhau hơn.
Không vì mâu thuẫn mà đi ngoại tình
Ngoại tình khi tức giận, chính là hành động làm tổn thương đối phương một cách sâu sắc nhất. Cảm xúc hỗn độn dẫn đến hành động ngu ngốc. Hành động này không chỉ khiến cho vợ/chồng tổn thương mà rất nhiều người phải gánh chịu nhất, đây chính là con đường ngắn nhất khiến hôn nhân tan rã.