Củ kiệu là củ của cây kiệu, cây kiệu là một loại cây thuộc họ hành, thân cây có màu trắng, củ hình trái xoan. Cây củ kiệu còn có tên gọi khác là cây tỏi nhỏ, giã toán, đại đầu thái tử… Cây này được trồng ở nhiều nơi, người ta hay dùng củ của cây kiệu để muối dưa hoặc dùng lá để ăn như một loại rau thơm. Trong Đông y, củ kiệu còn được dùng như một loại thuốc để phòng và chữa được nhiều loại bệnh. Củ kiệu có tác dụng thông dương, hành khí, giảm đau, làm ấm bụng và chữa các bệnh viêm mũi, sưng đau khớp, chữa bỏng, tức ngực, khó thở.
Ở bài viết này Giadinh.tv sẽ hướng dẫn bạn cách làm kiệu chua ngọt sao cho trắng, giòn, không bị hăng và giữ được lâu. Đây là một món muối ngon không chỉ dùng trong ngày Tết, trong gia đình có hũ kiệu muối chắc chắn sẽ làm trong mâm cơm nhà bạn thêm phần phong phú và hấp dẫn.
Nguyên liệu cần chuẩn bị gồm có:
- Củ Kiệu: 1kg
- Dấm ăn: 350ml
- Đường trắng: 350gr
- Phèn chua: 1 muỗng cafe
- Muối: 2 muỗng
Cách chọn kiệu ngon:
Bạn nên chọn kiệu Huế sẽ ngon hơn nhé. Lưu ý là nên chọn những củ kiệu nhỏ, không quá to thì khi ngâm kiệu sẽ nhanh thấm, khi ăn sẽ thấy kiệu giòn và kiệu cũng không bị hăng mùi.
Cách sơ chế củ Kiệu:
Bạn hòa 1 muỗng muối vào thau nước sạch, dùng tay khuấy đều cho muối tan và cho củ kiệu vào ngâm. Bạn ngâm kiệu khoảng 12 tiếng. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể ngâm qua đêm là tốt nhất.
Sau khi kiệu ngâm đủ thời gian, bạn đem kiệu ra rửa lại cho thật sạch với nước. Tiếp theo nữa, bạn cho 1 muỗng phèn chua pha vào thau nước lọc, khuấy đều cho phèn chua tan thì cho củ kiệu vào ngâm tiếp. Bạn chỉ ngâm khoảng 5 phút thì vớt kiệu ra, cho vào rổ và đem phơi ngoài nắng cho ráo và cho củ kiệu seo lại. Bạn phơi khoảng 2 lần nắng là được.
Sau khi phơi xong, bạn dùng dao cắt bỏ rễ và lột bỏ lớp vỏ già bên ngoài. Tiếp nữa đem rửa lại một lần nữa cho sạch và để cho ráo nước.
Để cách làm Kiệu chua thêm giòn, bạn đem rửa kiệu thêm 1 lần nữa với dấm ăn rồi để ráo.
Cách làm kiệu chua ngọt theo kiểu 1 như sau:
Bạn lấy 1 cái tô to, đem rải phía dưới đáy tô 1 lớp đường mỏng rồi xếp 1 lớp kiệu lên trên, cứ làm lần lượt như vậy theo trình tự: 1 lớp đường, 1 lớp kiệu, cho đến khi hết kiệu thì phủ lên trên cùng là 1 lớp đường. Sau khi ướp xong, bạn đậy kín tô lại, ướp khoảng 2 ngày cho kiệu ra nước và lên men. Trong khoảng thời gian ướp, thỉnh thoảng bạn nhớ mở nắp ra, dùng đũa đảo đều kiệu cho thấm đều.
Khi thấy kiệu ra nước, bạn lấy hũ thủy tinh có nắp đậy (chỉ dùng hũ thủy tinh phải được rửa sạch và phơi khô) để cho hết kiệu và nước kiệu vào. Sau đó đậy kín nắp và để ngâm khoảng 2 tuần hoặc lâu hơn. Kiệu để càng lâu sẽ càng ngon và giòn. Lưu ý là bạn không nên ngâm kiệu trong hũ nhựa nhé, vì như vậy sẽ dễ làm kiệu bị hôi, ăn không ngon).
Cách làm kiệu chua ngọt theo kiểu 2 như sau:
Sau khi kiệu đã được sơ chế như hướng dẫn phía trên. Sau đó, bạn bật bếp, cho vào nồi 600ml dấm ăn, cho thêm 250gr đường trắng vào, khuấy đều và đun sôi cho đến khi đường tan hoàn toàn thì tắt bếp và để nguội.
Tiếp theo, xếp kiệu vào hũ thủy tinh có nắp đậy rồi đổ nước dấm đường đã nguội hoàn toàn vào sao cho ngập kín củ kiệu, đậy kín nắp và để ở nơi thoáng mát khoảng 1 tuần là có thể lấy ra dùng được. Một lưu ý nhỏ là bạn nhớ để cho nước dấm đường nguội thiệt là nguội và nhớ đổ cho ngập hết củ kiệu để tránh tình trạng kiệu bị hư và thâm đen trong quá trình ngâm nhé.
Chúc các bạn thành công với cách làm Kiệu chua ngọt này nhé.
- Cách làm chanh muối ngon đúng chuẩn không bị đắng
- Cách làm hạnh muối chữa ho và giải rượu ngày xuân