Dính thắng lưỡi là một bệnh dị tật bẩm sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cử động lưỡi và phát âm khiến trẻ khó bú, nói ngọng,… Vậy dấu hiệu nhận biết và cách chữa trị bệnh này như thế nào? Mọi thắc mắc liên quan về bệnh lý sẽ được giải đáp thông qua bài viết dưới đây!
Dính thắng lưỡi là gì?
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Yến – Trưởng khoa liên chuyên khoa Mắt – Tai Mũi Họng – Răng Hàm Mặt tại BVĐK Phương Đông cho biết: Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh xuất hiện ở trẻ từ khi chào đời do bị ngắn dây thắng lưỡi, căng hoặc dày khiến các cử động của lưỡi bị hạn chế.
Dính phanh lưỡi xuất hiện ngay khi trẻ được sinh ra
Dính thắng lưỡi có thể phát hiện khi cha mẹ thấy con khó bú, khó phát âm và chậm lên cân. Dị tật này xuất hiện trong tháng đầu sau sinh và được phát hiện khi tiêm chủng hoặc thăm khám sức khỏe định kỳ.
Phương pháp chẩn đoán dính thắng lưỡi
Tật dính thắng lưỡi xuất hiện ngay từ khi sinh ra. Có trẻ bị ở mức nhẹ tức là chỉ dính một phần, có trẻ bị nặng, thắng lưỡi dính hoàn toàn. Khi phát hiện bé có dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên đưa bé thăm khám sớm để bác sĩ chẩn đoán. Các phương pháp chẩn đoán thường áp dụng hiện nay gồm:
Khám lâm sàng
Để chẩn đoán trẻ bị thắng lưỡi hay không, việc đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi phụ huynh về tình trạng sức khỏe của bé.
Dính phanh lưỡi khiến trẻ gặp khó khăn khi bú
Ngoài ra, tiền sử bệnh lý có liên quan tới thắng lưỡi cũng cần được đề cập tới nhằm xác định chính xác bệnh. Triệu chứng biểu hiện lâm sàng thường xuất hiện ở trẻ như sau:
- Chiều dài thắng lưỡi ngắn khiến trẻ không thể thè lưỡi ra ngoài.
- Đầu lưỡi có hình trái tim hay hình V.
- Trẻ bú khó và phát âm gặp khó khăn.
- Các răng hàm dưới mọc nghiêng về một phía.
Chẩn đoán xác định
Dính thắng lưỡi có thể chẩn đoán bằng biện pháp đo chiều dài của dây thắng lưỡi từ chỗ sàn miệng đến mặt dưới lưỡi.
Có thể thấy việc chẩn đoán bệnh lý không quá phức tạp. Tuy nhiên, cha mẹ không nên bỏ qua bước này bởi đây là yếu tố quan trọng để xác định chính xác phương pháp điều trị cho trẻ.
4 mức độ dính thắng lưỡi ở trẻ
Mức độ của dị tật sẽ được phân loại dựa theo chiều dài thắng lưỡi được đo từ bám sàn ở miệng đến vị trí bám vào lưỡi. Ở trẻ bình thường, chiều dài thắng lưỡi bằng hoặc lớn hơn 16mm. Ngược lại, nếu kết quả đo dưới 16mm có nghĩa trẻ đã bị dính thắng lưỡi. Dính thắng lưỡi có 4 mức độ gồm:
- Mức độ 1: Chiều dài thắng lưỡi tính từ sàn miệng đến vị trí bám vào lưỡi dài khoảng 12 – 16 mm được coi bệnh ở mức độ nhẹ.
- Mức độ 2: Bệnh ở mức độ trung bình với chiều dài thắng lưỡi từ 8 -11 mm.
- Mức độ 3: Bệnh ở mức độ nặng với chiều dài thắng lưỡi khoảng 3 – 7 mm.
- Mức độ 4: Chiều dài thắng lưỡi dưới 3mm, trẻ bị thắng lưỡi dính hoàn toàn và gặp khó khăn trong việc bú, phát âm…
Biện pháp điều trị dính thắng lưỡi ở trẻ hiệu quả
Khi phát hiện dấu hiệu của dị tật, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để thăm khám và chẩn đoán mức độ. Ở mức độ 1 và 2, thắng lưỡi của trẻ có thể nới lỏng theo thời gian sẽ tự biến mất khi lớn. Còn với mức độ 3 và 4, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật cắt thắng lưỡi cho trẻ. Quy trình cắt thắng lưỡi cho trẻ được thực hiện như sau:
- Bác sĩ sẽ thực hiện gây mê cho trẻ nhỏ.
- Kẹp hãm lưỡi sát mặt dưới của lưỡi bằng kẹp phẫu thuật cầm máu chuyên dụng.
- Kéo nhẹ và dùng dao điện cắt phanh lưỡi ngay dưới kẹp phẫu tích cầm máu.
- Cắt từ trước ra sau đến sát chân lưỡi, sau đó bỏ kẹp phẫu tích ra (thông thường không gây chảy máu).
Bác sĩ thực hiện thăm khám lâm sàng trước khi phẫu thuật cắt thắng lưỡi
Sau khi thực hiện phẫu thuật cắt thắng lưỡi, tại vị trí cắt sẽ xuất hiện vệt trắng. Triệu chứng này sẽ hết hoàn toàn sau 1-2 tuần. Sau 3 tiếng phẫu thuật trẻ có thể ăn uống, sinh hoạt bình thường. Ngoài việc thực hiện chăm sóc theo chỉ định bác sĩ, cha mẹ cần:
- Theo dõi và chăm sóc khoang miệng trẻ cẩn thận để tránh nhiễm trùng.
- Không cho trẻ sờ, ngậm hoặc cắn vật cứng hay vết thương.
- Cho trẻ uống nhiều nước và ăn thức ăn mềm lỏng dễ tiêu hóa.
- Tuân thủ đúng đủ liệu trình thuốc bác sĩ kê.
Với những thông tin Bệnh viện Phương Đông vừa chia sẻ, hy vọng sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về tật dính thắng lưỡi. Khi phát hiện trẻ có biểu hiện, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám và có biện pháp khắc phục kịp thời.
BỆNH VIỆN ĐA KHOA PHƯƠNG ĐÔNG
- Số 9, Phố Viên, Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
- Điện thoại: 19001806
- Email: [email protected]
- Website: https://benhvienphuongdong.vn
- https://www.facebook.com/benhviendakhoaphuongdong
- https://twitter.com/bvdkphuongdong
- https://www.pinterest.com/benhvienphuongdong/