Xưa kia, trong một làng nhỏ tỉnh Bắc Ninh, có một người con gái nhà nghèo, đẹp, thông minh và đảm đang. Cha mẹ nàng làm quần quật quanh năm suốt tháng mà vẫn không đủ ăn, nợ mỗi ngày một chồng chất. Không còn cách nào khác, cha mẹ phải gả nàng cho con trai một phú ông trong làng để trừ nợ. Cưới rồi, hai vợ chồng ra ở riêng. Ăn ở với nhau ba, bốn năm, nàng hai lần đẻ, nhưng chỉ nuôi được một. Tuy bận con mọn, nhưng công việc trong nhà từ lớn đến nhỏ, đều do nàng quán xuyến. Từ làm ăn, cày cấy, đến con lợn, con gà, không việc nào mà nàng không để mắt. Chồng nàng đần độn hết chỗ nói, ngày ngày chỉ biết ăn, rồi vợ sai đâu thì làm đấy.
Một hôm đứa con nhỏ bị ốm, nàng phải ở nhà trông nom, nên chồng phải mang chó đi chợ bán. Anh ta không hiểu mua bán ra sao, nhưng chẳng có ai làm thay nên miễn cưỡng phải đi. Biết rõ chồng mình, nàng dặn đi dặn lại:
– Đến chợ, hễ ai người ta trả tám quan tiền ngay, quan tư tiền chịu thì bán. Nếu không được giá thì chịu khó dắt về, còn nếu bán được hơn thì càng hay.
Phiên chợ ấy, một cụ đồ trong vùng cùng đi. Vừa đến chợ, thấy một anh con trai bán chó, ai hỏi bao nhiêu tiền cũng đều nói: “Quan tám tiền ngay, quan tư tiền chịu”. Cụ nghĩ: “Anh này bán chó mà còn muốn cho họ mua chịu để nhân dịp đi đòi tiền mà thăm lại nó lần nữa, thật quả là người có nghĩa”. Cụ liền dừng lại mua và bảo anh ta:
– Được, anh bán cho tôi. Ba hôm nữa anh đến nhà tôi mà lấy tiền. Làng tôi ở phía Bắc cái chợ này, đầu làng là nơi “hữu thuỷ vô ngư, hữu ngư vô thuỷ”. Đến đầu làng thì anh đi vào, thấy cái nhà nào ở gần đình mà “hữu kim vô chỉ, hữu chỉ vô kim”, thì anh cứ vào. Đấy là nhà tôi.
Theo đúng như lời dặn, bán xong chó, anh ta về. Sợ quên mất lời ông cụ dặn, về nhà không biết cách nào nói với vợ, anh vừa đi vừa nhẩm “hữu thuỷ vô ngư, hữu ngư vô thuỷ”.
Ba ngày sau, đứa con vẫn còn ốm, người vợ lại phải để chồng đi đòi tiền chó. Hôm ấy, anh không còn nhớ ông đồ nói sao và cũng không biết làm thế nào để tìm được nhà ông ta. Cơm nước xong, người vợ lại phải bày cách cho chồng đi lấy tiền.
– Anh đi đến chợ, rồi đi theo con đường cái ở phía Bắc. Cứ đi mãi đến một làng, đầu làng có cái điếm canh treo một cái mõ bằng gỗ hình con cá, ngay bên cạnh, anh thấy có một cái giếng đá, thì cứ đi vào. Đến giữa làng anh thấy cái nhà ở bên đình có bờ ao rào giăng và có bụi tơ hồng thì đấy đúng là nhà ông cụ.
Theo lời vợ dặn, anh ta tìm được đến nhà ông đồ. Thấy anh đến, ông đồ tấm tắc khen là thông minh, gọi người nhà làm cơm thết đãi. Trong khi ăn, trò chuyện lân la, ông đồ mới biết rõ chuyện về gia đình anh, biết cả đầu đuôi việc đi bán chó và việc đi đòi tiền.
Cơm rượu xong, ông đồ trả tiền cho anh đầy đủ và gửi anh một món quà mang về cho vợ.
Ở nhà, người vợ đang sốt ruột, thấy chồng mang tiền nong về đầy đủ, lại có cả quà nữa, nàng mừng khôn xiết. Mở gói quà và cắt ra ăn, nàng thấy một nắm cơm gạo tám thơm trắng tinh, giữa có mấy quả cà ủng, nàng hiểu ngay cơm gạo tám xoan mà ăn mới cà thiu thì thật đúng là tình cảnh của mình. Chị liền than:
– Tiếc thay hạt gạo tám xoan, thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà!
Đêm ấy, nàng trằn trọc không sao ngủ được. Nghĩ tủi phận mình, nàng quyết định đi khỏi nhà, khỏi làng. Mờ sáng hôm sau, một tay bế con, một tay cắp một gói quần áo. Nàng ra đi. Ra đến sông, nàng không làm sao sang bờ bên kia được, vì chiếc cầu tre vẫn bắc qua sông mọi ngày, ai đã kéo để trên bờ. Thấy một cụ già cứ lom khom lội bì bõm dưới bến như đang tìm cái gì, nàng hỏi:
– Cụ ơi, cụ đang tìm cái gì đấy! Cụ làm ơn bắc giúp cái cầu cho cháu qua sông
Ông cụ trả lời:
– Tôi đang bận tìm cái kim.
– Tưởng gì chứ cái kim mà cụ phải mất công tìm đến như vậy cơ à! Thôi cụ giúp cháu đi.
– Cái kim này của bà nhà tôi để lại. Khi mất bà nó dặn đi dặn lại là đừng có đánh mất nó. Nó chẳng đáng là bao, nhưng lại rất quý. Vợ chồng ăn ở với nhau đã có con, sống chết thì phải chung thuỷ với nhau cho đến cùng chứ!
Nghe cụ già nói, nàng đứng tần ngần hồi lâu, rồi thấy mình không thể đi được nữa, nàng lại quay về với chồng và từ đó nàng cố gắng khuyên răn chồng trở thành người khá giả.