Tết là thời gian quí giá nhất trong năm khi chúng ta có dịp đoàn tụ với người thân sau một năm làm việc vất vả. Cả nhà sum họp, quây quần bên mâm cơm ngày tết thật ấm cúng biết bao. Và theo lẽ tất nhiên, mâm cơm ngày tết không thể thiếu món giò thủ thơm ngon rồi. Cách làm giò thủ thơm ngon dai giòn sẽ được Giadinh.tv “mách nước” với bạn ngay sau đây.
Nguyên liệu cần chuẩn bị để làm giò thủ gồm có:
- Tai heo: 500gr
- Lưỡi heo: 500gr
- Thịt phần chân giò đã rút xương (chân giò trước hoặc sau đều được): 300gr
- Nấm Mèo: 50gr
- Nấm Hương: 100gr
- Hành tím: 2 củ
- Lá chuối và dây lạt hoặc dây nilon (cần mua nếu bạn thích gói bằng lá chuối hoặc nếu không thì thay thế bằng chai nhựa cũng được)
- Hạt nêm, nước mắm, hành tím và hạt tiêu.
- Khuôn bằng inox.
Cách sơ chế nguyên liệu
Bước 1: làm sạch nguyên vật liệu
Lá chuối rửa sạch, lấy khăn thấm hết nước và phơi khô.
Hành tím bóc bỏ vỏ, rửa sạch, đập dập và cắt nhỏ.
Nấm mèo ngâm nước nóng khoảng 10 phút cho nở hoàn toàn, sau đó vớt ra đem cắt bỏ chân và rửa sạch. Tiếp theo đem nấm mèo xắt thành sợi nhỏ.
Nấm hương cũng đem ngâm nước nóng khoảng 3 phút, cắt bỏ phần chân bị đen rồi rửa sạch và đem cắt nhỏ.
Khuôn inox rửa sạch và phơi khô.
Bước 2: sơ chế và ướp thịt
Tai heo, lưỡi heo và thịt chân giò rửa sạch với nước muối pha loãng. Sau đó cho tất cả vào nồi luộc sơ qua. Trong khi luộc, cho thêm 1 muỗng muối và 1 muỗng giấm vào luộc cùng. Khi nước vừa sôi thì tắt bếp, vớt tất cả thịt heo ra ngâm với nước lạnh để thịt không bị thâm.
Tiếp theo xắt tất cả thịt heo thành miếng nhỏ vừa ăn rồi ướp thịt với 1 muỗng hạt nêm, 1 muỗng nuóc mắm, 1/2 muỗng đường, 1 muỗng hành tím băm nhỏ và 1 muỗng cafe tiêu. Tất cả trộn đều, để thịt ngấm gia vị trong khoảng 30 phút là được.
Cách làm giò thủ tại nhà như sau:
Bước 1: xào thịt
Bật bếp, chờ cho chảo nóng đều thì cho 1 muỗng dầu ăn vào tráng đều mặt chảo. Khi dầu sôi, cho 1 muỗng hành tím băm nhỏ vào phi thơm.
Khi hành phi dậy mùi thơm thì cho tất cả thịt heo đã ướp vào xào, đảo đều tay. Nêm thêm 1/2 muỗng hạt nêm và 1/2 muỗng mắm vào, tiếp tục đảo đều cho thịt ngấm gia vị và chín đều. Hoặc bạn có thể nêm nếm theo ý thích sao cho hợp khẩu vị với bạn và các thành viên trong gia đình là được.
Khi thịt heo săn lại, bạn cho tất cả nấm mèo và nấm hương đã thái nhỏ vào. Đun trên bếp có độ lửa vừa cho đến khi thịt heo ra thêm mỡ, nấm cũng đã thấmm gia vị thì tắt bếp.
Lưu ý: không nên xào giò quá chín, như vậy sẽ làm giò bị khô, cứng và không còn đủ độ béo cần thiết.
Bước 2: gói giò
Khi thịt đã chín, đổ hết thịt lên lá chuối đã được chuẩn bị và tiến hành gói giò thủ. Dùng dây lạt (hoặc dây nilon) để cột chặt giò và định hình cho cây giò không bị móp méo.
Cho cây giò vào khuôn inox và dùng chày nén giò xuống thật chặt là được. Cách này sẽ giúp giò chắc tay và có thể bảo quản được lâu.
Để làm lá chuối mềm hơn giúp cuốn thịt dễ dàng thì bạn nên hơ nhanh lá chuối trên lửa nhỏ. Khi thịt được xào xong vẫn còn nóng hổi, bạn đổ thịt ra lá chuối đã được trải sẵn sàng rồi gói lại. Bạn nhớ cố định thịt thật chặt và dùng lạt hoặc dây nilon cột lại cho thật chắc.
Mẹo nhỏ dành cho bạn:
Để lá chuối mềm, dễ gói giò bạn có thể hơ nhanh lá chuối trên lửa nhỏ rồi đem gói giò. Nếu không thích gói bằng lá chuối, bạn có thể dùng chai nhựa để thay thế. Bạn chỉ cần đổ thịt vào chai nhựa (chai nhựa đã cắt bỏ phần đầu nhỏ và đã được rửa sạch).
Sau đó nén thịt thật chặt là xong. Khi dùng bằng chai nhựa, bạn sẽ không cần dùng khuôn inox để nén giò nữa. Tuy cách làm này nhanh và tiện nhưng do chai nhựa không thực sự bảo đảm an toàn nên không khuyến khích bạn làm theo cách này nhé.
Khi giò gói xong, cất trong ngăn mát tủ lạnh để có thể dùng được lâu. Khi ăn, bạn chỉ cần cắt khoanh là có thể lấy ra ăn liền, rất tiện. Thời hạn bảo quản giò thủ tối đa (khi cất trong ngăn mát tủ lạnh) là khoảng 1 tuần. Khi thấy giò thủ có nước nhớt phí bên ngoài nghĩa là giò đã có hiện tượng bị ôi thiu, bạn không nên tiếp tục dùng.
Một cây giò thủ ngon phải đạt được các yêu cầu sau:
Với cách làm giò thủ đúng chuẩn, giò thủ sẽ có đủ độ béo, gia vị được nêm nếm vừa miệng, miếng giò phải giòn, ngọt, thơm mùi của thịt cũng như có hương thơm của nấm và tiêu. Giò thủ cũng phải có màu hơi hồng của thịt kết hợp với phần mỡ đông màu trắng xen kẽ với màu nâu của nấm là chuẩn.
Cách làm giò thủ để đón tết rất đơn giản, không quá phức tạp để thực hiện. Vậy nên, để đảm bảo an toàn cho bữa cơm tết sum vầy được vui vẻ, chúng ta hãy cùng nhau làm món này tại nhà nhé!