Ngày xưa, ở xứ của dân tộc Nùng, có một chàng trai mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng rất hoạt bát, thông minh, người làng gọi là chàng Mồ Côi. Một viên quan trấn nọ thấy Mồ Côi thông minh hoạt bát, liền đưa chàng về hầu điếu đóm. Trong những buổi xử kiện, viên quan đều cho Mồ Côi đi theo. Vì vậy dần dần, Mồ Côi cũng biết cách xử kiện.
Nhiều buổi say rượu hoặc mỏi mệt, quan cũng cho phép mồ côi hòa giải những vụ xích mích nho nhỏ. Chàng thường nghe ngóng cẩn thận, nói năng hòa nhã.
Nhờ có trí thông minh, chàng phân xử đâu ra đấy, nên đã nhiều lần làm cho cả bên nguyên lẫn bên bị hài lòng. Vì thế quan lại càng tin dùng. Còn dân thì mỗi lần phải đưa nhau lên cửa quan, thường muốn được Mồ Côi xét xử.
Một hôm, có vụ một chủ quán ở chợ kiện một ông cụ già.
Chủ quán thưa rằng:
- Hôm nay nhà hàng của chúng tôi bị ông cụ này làm động. Ông cụ vào nhà hàng, giở gói cơm nắm ra ăn. Vừa ăn, cụ vừa nhìn vào tủ hàng đầy thức ăn, và hít rồi nuốt vào cả những hương vị của những bát bò kho, những con gà sống thiến luộc, nồi cá kho ngon, những con vịt rán tẩm phẩm hồng thơm phức của cửa hàng.
- Vì cụ hít và nuốt hết mùi thơm của thịt, nên cửa hàng tôi hôm nay không bán được cho ai nữa. Sau khi hít hết hương vị thịt hàng của tôi để ăn xong bữa cơm, ông cụ cảm ơn một câu, rồi ra đi và không trả tiền. Bất đắc dĩ tôi phải đưa ông cụ đến đây để nhờ quan lớn minh xét.
Quan quay sang hỏi cụ già. Ông cụ trả lời:
- Tôi vào hàng ngồi nhờ ăn miếng cơm nắm. Tôi không mua thịt, mua cơm của nhà hàng, thì sao lại cứ nằng nặc đòi tiền tôi.
Mồ Côi nghe thế quay qua hỏi chủ quán:
- Có phải chủ quán tố cáo ông cụ này hít mất hương vị lợn quay, gà luộc, vịt rán của nhà hàng không?
Chủ quán đáp:
- Đúng như thế ạ!
Mồ Côi quay lại hỏi cụ già:
- Cụ có nhận rằng cụ đã hít hương thơm lợn quay, gà luộc, vịt rán của nhà hàng không?
Cụ già đáp:
- Tôi nhận rằng có.
Mồ Côi nói:
- Thế là đã rõ. Ông cụ đã hít hương vị của nhà hàng, thì ông phải bồi thường cho nhà hàng mới đúng lẽ. Vậy chủ quán muốn bồi thường bao nhiêu?
Chủ quán đáp nhanh:
- Hai đồng!
Mồ Côi nói:
- Nói như thế không có bằng chứng. Tôi muốn hỏi tất cả số thịt quay, gà luộc, vịt rán giá bao nhiêu?
- Hai mươi đồng.
- Đúng như thế hãy còn là rẻ. Vậy cụ già, cụ hãy đi vay đâu đưa đến đây hai mươi đồng để tôi phân xử cho.
Nghe nói, ông cụ già giãy nảy, rơm rớm nước mắt nói:
- Ô hay, như vậy còn đâu là lẽ phải? Tôi có đụng chạm đến thức ăn của nhà hàng đâu mà bắt tôi phải trả ngần ấy tiền.
- Cụ cứ đưa tiền đến đây để tôi phân xử.
- Tôi chỉ có hai đồng bạc trắng đây mà thôi.
- Cũng được.
Mồ Côi thản nhiên cầm lấy hai đồng bạc bỏ vào một cái bát, rồi úp một cái bát khác lên, đưa cho cụ già và nói:
- Cụ hãy cầm bát xóc lên cho đủ mười lần. Còn chủ quán, ông hãy chịu khó vểnh cả hai tai lên mà nghe.
Hai người tuy chưa hiểu nhưng cũng cứ làm theo. Khi đồng bạc trong bát úp đã kêu lạch cạch đến mười lần. Mồ Côi phán:
- Ông cụ già này đã hít hương vị tất cả lợn quay, gà luộc, vịt rán của nhà hàng, mà những món ấy giá trị đến hai mươi đồng bạc trắng. Bây giờ chủ quán cũng được nghe đủ tiếng kêu của những đồng bạc trắng rồi đấy.
Thế là ông già này đã bồi thường cho chủ quán đủ số tiền trả cho hương thơm của thức ăn. Như vậy là công bằng: Một bên “hít mùi thịt”, một bên “nghe tiếng bạc”.
Nói xong, Mồ Côi trả lại hai đồng bạc trắng cho cụ già rồi tuyên bố kết thúc vụ kiện.
Đọc thêm các câu chuyện cổ tích hay tại GiadinhTV