Sữa đậu nành rất ngon, bổ dưỡng, giúp chị em chúng ta giữ gìn vóc dáng thon gọn và còn giúp làm đẹp da nữa. Nhiều chị em rất muốn làm sữa đậu nành tại nhà để bảo đảm chất lượng nhưng chi phí bỏ ra để mua một cái máy chuyên để nấu sữa đậu nành cũng là một vấn đề khiến nhiều người phải lăn tăn suy nghĩ.
Một giải pháp kinh tế hơn nhiều mà Giadinh.TV sẽ “tiết lộ” cho bạn ngay bây giờ đó chính là cách làm sữa đậu nành thơm ngon bằng máy xay sinh tố ngay tại nhà. Giải pháp này cực tiết kiệm mà thành phẩm thu được thì trên cả tuyệt vời. Cùng nhau thực hiện và kiểm chứng nhé.
Nguyên liệu để làm sữa đậu nành ngay tại nhà gồm có:
- Đậu nành: 500gr
- Nước lọc: 1.5 lít
- Lá dứa: 50gr
- Máy xay sinh tố, khăn xô sạch để lọc bã.
Mách nhỏ dành cho bạn: đậu nành ngon là phải bảo đảm các yếu tố như: hạt đậu nành mới thu hoạch khoảng 3 – 4 tháng. Hạt tròn, đều, mẩy và chắc tay là những hạt đậu nành ngon và chứa nhiều protein.
Cách sơ chế nguyên liệu
- Đậu nành rửa dưới vòi nước chảy, vớt bỏ những hạt lép và những hạt bị hư, bị sâu mọt nổi lên trên mặt nước. Sau đó, ngâm hạt đậu nành với nước khoảng 8 tiếng rồi rửa sạch cho hết bọt và để ráo.
- Lá dứa rửa sạch và để ráo. Sau đó, gập đôi lá dứa lại và bó thành một bó.
- Máy xay sinh tố rửa sạch và để ráo cho khô.
Cách làm sữa đậu nành bằng máy xay sinh tố tại nhà
Bước 1: xay và lọc đậu nành bằng máy xay sinh tố
Sau khi đậu nành đã nở to và được rửa sạch, bạn cho đậu nành vào máy xay sinh tố, cho thêm nước vào để xay nhuyễn với tỉ lệ chuẩn là 4 muỗng đậu nành/350ml nước lọc. Bạn không nhất thiết phải làm theo đúng tỉ lệ này, bạn hoàn toàn có thể tự gia giảm liều lượng theo ý thích của mình.
Sau khi đã xay nhuyễn đậu nành, bạn dùng rây lọc lấy nước sữa. Phần bã đậu nành bạn cho vào khăn xô sạch, vắt mạnh tay để lấy nước sữa đậu nành còn lại trong bã.
Dùng khăn lọc thêm khoảng 2 – 3 lần nữa cho sữa thật sự mịn hoàn toàn là được.
Bước 2: Nấu sữa đậu nành
Bật bếp, để lửa vừa, cho nồi sữa đậu nành lên bếp để đun sôi. Cho thêm vào nồi sữa 1 bó lá dứa cho sữa thơm hơn. Một lưu ý nhỏ là khi đun sữa đậu nành bạn không được đậy kín nắp. Vì sữa đậu nành rất dễ bị sôi bùng lên, trào ra bếp gây nguy hiểm.
Khi sữa đậu nành sôi, bạn cho lửa nhỏ liu riu để đun cho sữa đậu nành chín kỹ. Bạn nấu thêm khoảng 20-30 phút nữa, khi sữa dậy mùi thơm và có vị béo ngậy của đậu nành là có thể tắt bếp.
Bước cuối cùng, bạn cho sữa đậu nành ra để nguội. Uống nóng hoặc lạnh tùy thích, bạn có thể cho thêm đường để sữa đậu nành thêm ngọt theo ý bạn.
Sữa đậu nành nên cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản, vì không có chất bảo quản, bạn chỉ nên sử dụng trong vòng 1 – 2 ngày mà thôi nhé, như vậy sẽ bảo đảm sức khỏe cho bạn và cả gia đình.
Xem thêm: Cách làm sữa chua đậu nành siêu ngon và Cách làm tào phớ từ sữa đậu nành
Một số lưu ý khi dùng sữa đậu nành – bạn cần phải biết
Uống sữa đậu nành nhiều có tốt không? Sữa đậu nành có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như:
- Giảm cholesterol
- Ổn định huyết áp
- Giúp thanh phế tiêu đờm
- Giúp làm đẹp da
- Giữ gìn vóc dáng gọn gàng thon thả.
Uống sữa đậu nành đúng liều lượng mỗi ngày còn giúp bạn phòng ngừa bệnh ung thư đại tràng.
Tuy nhiên, dùng sữa đậu nành lâu dài và quá định lượng cho phép sẽ gây ra một số phản ứng như đầy hơi, táo bón, nổi mẩn ngứa và tăng huyết áp ở một số người. Ngoài ra, phụ nữ mang thai và cho con bú nên hạn chế sử dụng sữa đậu nành. Vì theo một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng chất genistein có trong đậu nành có tác động xấu đến sự hình thành và phát triển của thai nhi.
Đối với trẻ em
Trẻ em cũng là một đối tượng không nên sử dụng quá nhiều sữa đậu nành vì dễ dẫn đến tình trạng khiếm khuyết dinh dưỡng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất của trẻ. Tuy nhiên, cũng không nên loại bỏ sữa đậu nành hoàn toàn trong thực đơn của trẻ.
Đối với các bệnh nhân
Những bệnh nhân bị bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung và ung thư bàng quang cũng nằm trong danh sách những đối tượng cần tránh sử dụng sữa đậu nành. Nguyên nhân là do chất phytoestrogen có trong đậu nành sẽ làm tác động kích thích làm cho các tế bào ung thư phát triển nhanh và mạnh hơn.
Các bệnh nhân bị sạn thận, suy giáp, hen suyễn, viêm mũi dị ứng cũng cần hạn chế hoặc tránh sử dụng đậu nành để tránh làm bệnh nặng hơn do nguy cơ dị ứng với đậu nành, nhất là lớp vỏ đậu.
Cách làm sữa đậu nành ngay tại nhà rất dễ thực hiện và không quá nhiều công đoạn phức tạp. Sữa đậu nành thành phẩm có vị béo, thơm và có màu trắng ngà đục. Chúc bạn thành công khi thực hiện nấu sữa đậu nành bằng máy xay sinh tố tại nhà mà không cần bỏ ra một số tiền lớn để mua máy.
Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn cách làm sữa ngô tại nhà